Lời giới thiệu: Bài thơ “Về hai chuyến đi biển” dưới đây được viết lấy cảm xúc từ ý nghĩ so sánh rất khập khiễng nơi hai chuyến đi biển trong đời của người viết:
– Chuyến vượt biển năm xưa trên chiếc tàu gỗ đi sông rất mong manh, có mũi tàu được sửa lại đề rẽ sóng vượt biển. Suốt hành trình hết chín mươi chín phần chỉ thấy đói khát, tù đày và chết chóc. Chỉ còn một phần nhỏ nhoi thấy mình vượt thoát đến bờ bến tự do nằm ngoài óc tưởng tượng và ước tính của con người – vì đó là sự may mắn hi hữu và phép lạ.
– Chuyến đi cruise cùng gia đình và bạn hữu mùa hè vừa qua.
Chuyến vượt biển năm xưa đã đưa người viết đến trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai. Câu chuyện và hình ảnh đầu tiên mà người viết đã nghe kể và nhìn thấy ở đây là xác của chiếc tàu sắt nằm ngay bờ biển của cù lao (Pulau) này. Chuyện kể đây là chiếc tàu sắt chở gần sáu trăm người vượt biển bán chính thức, bị chìm ngoài khơi của cù lao làm chết gần hết mọi người trên tàu. Tuy nhiên không hiểu vì sự huyền nhiệm nào mà qua thời gian, chiếc tàu bị sóng biển đẩy trôi dần vào bờ. Nhiều người trên đảo truyền tai nhau rằng có lẽ oan hồn của bao nhiêu người chết trên chiếc tàu đó, không muốn chuyến hải hành của mình không có nơi đến nên đã xui khiến chiếc tàu sắt trôi dần vào bờ – như một tâm nguyện sau cuối và thiêng liêng mà họ phải thực hiễn cho bằng được ở kiếp này. Chuyện còn kể thêm rằng người ta có thể tìm thấy những mẫu xương người bị cát biển vùi lấp trên chiếc tàu sắt định mệnh đó mà chính quyền Mã Lai cùng cao ủy tị nạn LHQ vẫn để nguyên xác tàu như vậy không kéo đi.
Xin cúi đầu mặc niệm và gởi lòng thành kính để tưởng nhớ đến hằng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam xấu số, đã không đến được bến bờ tự do nơi chuyến vượt biển của họ. Bài thơ cũng là một cách để người viết tự nhắc nhở mình đừng quên căn cước và cội nguồn của chính mình: một thuyền nhân Việt Nam.
Nhìn biển hôm nay
Chạnh lòng nhớ biển năm xưa
Cũng là biễn
Cũng là một chuyến đi
Nhưng chuyến đi hôm nay
và chuyến đi năm xưa
có một trời vực bao điều dị biệt.
oOo
Chuyến vượt biển năm xưa
Chuyến đi biển hôm nay
Bối cảnh và phương tiện
Ý nghĩa và hành trình
Bao nỗi niềm chất ngất
Bao nhiêu điều cưu mang
Bao nhiêu điều ôm ấp
Bao buồn tủi xốn xang
Bao nhiêu lần nhìn lại
Buồn đau vẫn đầy tràn.
oOo
Biển của chuyến đi xưa
không là màu xanh biếc.
Biển một màu xám xịt
và ẩn tàng chết chóc:
làm xiêu hồn lạc phách
làm hãi hùng trong mắt
làm điếng sợ trong tim
làm kinh hoàng lên óc.
Biển man rợ nộ cuồng
Thét gào đòi tế vật –
Những hình hài mất hồn
vừa thoát từ địa ngục
còn đau thương tang tóc.
Đã mõi mòn đói khát
Đã cạn cùng sức lực
Chờ xuôi tay nhắm mắt.
oOo
Sóng của chuyến đi xưa
không vỗ nhẹ hông tàu
Mà sóng mùa biển động
những con sóng bạc đầu
Đêm về nhanh trên biển
Sóng cũng dâng lên mau
Con sóng màu xám xịt
như nhà mấy tầng lầu
như một loài thủy quái
rất hung bạo trên cao
Từng hồi đỗ ập xuống
Quyết nhấn chìm con tàu.
Trong con tàu mỏng mảnh
Sáu mươi mốt hình người
Mặt xanh không giọt máu
Lo sợ điếng hết người.
Con chiên Chúa cầu Chúa
Tín đồ Phật khấn Phật.
Ranh giới giữa sống chết
Đã gần hơn gang tấc.
Dường như có tiếng hát
Tựa lời mẹ ru con
Vọng từ lòng biển vắng
Như tiếng gọi chiêu hồn.
Tiếng gọi về lòng đất
về lòng biển đen ngòm.
Tôi nghe hồn rúng động
Niệm nam mô nhanh hơn.
Tàu qua vùng biển xoáy
Trời biển cũng nhá nhem
Có chuyến tàu vô phước
Bị chìm dưới biển đen.
Có cô gái khấn nguyện
không phải bằng nhang đèn
Mà cắt tóc bỏ biển
Lâm râm lời kinh đêm.
oOo
Năm ngày đêm vượt biển
Trên tàu gỗ mong manh
Cuối năm mùa biển động
Mạng như treo chỉ mành.
Năm ngày đêm vượt biển
Tưởng tàu bị vỡ ra
trước những đợt sóng biển
đòi mạng để tế ma.
Năm ngày đêm vượt biển
Thần chết luôn rập rình
Từng phút giây hoảng sợ
Nhìn trừng dấu tử sinh.
Năm ngày đêm vượt biển
Hung sự rồi cũng qua
Đất liền rồi cũng đến
Nước mắt vui vỡ òa.
Sáu mươi mốt con người
Ra khỏi tàu định mệnh
Không cần ai mở lời
Lạy con tàu giữ mạng.
Tin mừng lớn tiếp đó
Sau vài giờ lên bờ
là thai phụ chuyển bụng
Và em bé chào đời …
oOo
Chuyện bi thảm quê tôi
Bao nhiêu năm đỗ nát
Dài theo một kiếp người
Đầy máu và nước mắt.
Đầy nỗi đau như cắt
Đầy oan nghiệt đoạn trường
Hàng ngàn người vượt biển
Thí mạng với đại dương.
Những người Việt vượt biển
Đối mặt đủ tai ương:
Tù tội khi bị bắt
Đói khát là chuyện thường.
Không may tàu chết máy
hay lạc cả tháng trường
nơi trùng trùng biển mặn,
kể như gặp Diêm Vương.
Cả hành trình vượt biển
Thần chết vẫn không rời
Chưa kể nạn hải tặc
Cận kề giữa biển khơi.
Bọn hải tặc tàn ác
Đám cướp không tính người
Cướp bóc và hãm hiếp
Bằng man rợ lũ tồi.
oOo
Có chuyến tàu vượt biển
Gồm ba mươi hai người
Bị đi lạc hơn tháng
Đói khát đến tàn hơi
Có những người yểu mạng
Bị chết giữa biển khơi
Và những người còn sống
Phải ăn họ cầm hơi.
Tàu rồi cũng đến bờ
Nửa nhân số tiêu ma
Nửa nhân số còn lại
Dật dờ như bóng ma
Những ánh nhìn không hồn
Nơi hai mắt sâu trũng
Nơi da mặt sậm vàng
người bị gan, phù thũng.
Có chuyến tàu vượt biển
Bảy mươi hai mạng người
Lúc lên được đất liền
Chỉ sống sót một người.
Tàu đã gặp hải tặc
Bị cướp và bị giết
Đàn ông bị quăng biển
Đàn bà bị hãm hiếp.
Có người vợ cắn lưỡi
vì hải tặc làm nhục
Có người chồng trào máu
vì thống hận uất ức.
Có người mẹ liều chết
tuyệt vọng bảo vệ con
Có cô gái hóa dại
nét hoảng loạn hãy còn.
oOo
Chuyện người Việt vượt biển
Trùng điệp nỗi bi thương
đầy máu và nước mắt
và đầy chuyện đoạn trường.
Chuyện người Việt vượt biển
Cơn sốt lớn một thời
Toàn tù tội chết chóc
mà tàu vẫn ra khơi.
Chắc là không sợ tù
không sợ chết, dân tôi?
Có ai đó nếu hỏi
Và hỏi tức trả lời.
Chuyện người Việt vượt biển
Ở thế kỷ hai mươi
thành dấu tích lịch sử
làm kinh động lòng người.
Chuyện người Việt vượt biển
Bất chấp mọi nguy nan
Thêm chữ trong từ điển
Ghi “thuyền nhân Việt Nam”.
oOo
Chuyến vượt biển năm xưa
Chuyến đi biển hôm nay
Hai chuyến đi biển trong đời
Nếu so sánh thì có nhiều khập khiễng
Như nỗi khập khiễng trong lòng
bao nhiêu năm vẫn chưa thôi lỏng chỏng.
Khập khiễng trong lòng
Thành lỏng chỏng trong đời
Mỗi bước chân đi tới
có cái bóng đi lui
Ở sau nụ cười tươi
có man mác ngậm ngùi.
Chuyến vượt biển năm xưa
Chuyến đi biển hôm nay
Hai chuyến đi biển trong đời
Nếu so sánh cũng chỉ là cần thiết.
Điều cần thiết để mãi khắc ghi
Để tự nhắc nhở mình
Gắng giữ tờ căn cước –
Một thuyền nhân Việt Nam
mà mình đã nhận được.
oOo
Trang sử của thuyền nhân
đầy bi thương thống hận
của dân tộc Việt Nam
ở trong thời quốc nạn.
Trang sử của thuyền nhân
có cảnh đời địa ngục
của dân tộc Việt Nam
nơi tận cùng sự thật.
Trang sử của thuyền nhân
có tiếng kêu im bặt
của bao đời Việt Nam
đầy máu và nước mắt.
Trang sử của thuyền nhân
là đi vào chỗ chết
để tìm con đường sống
làm người trong trời đất.
Trang sử của thuyền nhân
là mưu cầu hạnh phúc
giữa tuyệt vọng trùng trùng
nơi cảnh đời vô phúc.
Trang sử của thuyền nhân
là trang sử Việt Nam
gắn liền với đất nước
mà không ở Việt Nam.
Trang sử của thuyền nhân
vẫn còn đó dấu tích:
Quà tặng của tự do
Không rơi từ trên Trời
Mà trồi lên từ đất
Vun xén bằng mạng người.
hưhao
27092018